Ở một quãng thời gian xa xôi nào đó, một đứa bé đã hỏi “bán yêu là gì?” chỉ để đổi lại giọt nước mắt của người mẹ trẻ.
Ở một miền kí ức xưa cũ nào đó, một đứa bé muốn tham gia trò chơi kemari một lần, chỉ để đổi lại sự xa lánh của những người xung quanh.
Sinh ra là bán yêu thì có tội tình gì? Ai có thể lựa chọn được cách thức mình sinh ra?
Chẳng thuộc về bên nào cả, không phải yêu quái, cũng không phải con người. Ở cả hai nơi chốn ấy đều không có chỗ dung thân.
Đứa bé ấy đã lớn lên, người mẹ năm nào đã sớm theo thời gian trở về với cát bụi. Lớn lên trong sự thiếu vắng của vòng tay gia đình bè bạn, trưởng thành trong những khốc liệt của cuộc sống sinh tồn.
Người ta không thể lựa chọn cách thức mình sinh ra, nhưng người ta có thể lựa chọn cách sống cho riêng mình.
Và cậu ấy đã lựa chọn làm một kẻ mạnh. Một kẻ mạnh thì sẽ không ai có thể hà hiếp hay xem thường.
Có gì sai khi mong muốn sức mạnh, có gì sai khi muốn có một chỗ đứng trong cuộc đời này?
Có chăng thì là cuộc đời đã quá bất công khi để một kẻ sinh ra mang trong mình dòng máu của hai giống loài và đồng thời bị xua đuổi bởi cả hai giống loài, mang trong mình hai phần của hai thế giới nhưng lại chẳng thuộc về nơi đâu.
Inuyasha đã sống giữa lằn ranh ấy, sống để mạnh lên từng ngày một, sống cuộc sống của một con thú hoang đem dã tính để sinh tồn.
Đã rất lâu rồi, cuộc sống ấy làm phai nhạt đi phần nào yêu thương mà người mẹ đã dành cho từ thuở nhỏ, trái tim đã chai sạn đi trong những bão táp của cuộc đời. Từ lúc nào mà lí do đã trở thành mục tiêu, cậu muốn có sức mạnh, cậu phải có sức mạnh, để trở thành yêu quái hoàn toàn.
“Nếu đã không thể chung sống, thì cứ cho họ biết ai là kẻ mạnh!”
Tôi vẫn nhớ câu nói của Inuyasha với Jinenji. Lạnh nhạt lắm, nhưng đúng lắm, và đau lắm. Chỉ muốn được đón nhận, nhưng không ai đón nhận. Inuyasha không có một bà mẹ già cứng cỏi luôn đứng ra bảo vệ mình như Jinenji, Inuyasha không có một ngôi nhà để chạy về mỗi lúc bị người ta chạy theo đánh đuổi. Nếu không thể làm cho họ yêu thương, thì hãy làm cho họ sợ hãi. Người ta phải sống như thể nào để mang trong đầu một suy nghĩ như thế? Suy nghĩ ấy không sai, không hề sai. Ai cũng cần phải sống, ai cũng muốn được sống yên ổn. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, vậy thì phải làm sao?
Không ai có thể cao thượng mãi, không ai có thể nín nhịn và chịu đựng mãi những vô lí của thế gian này. Hoặc là ta phải mạnh để đạp lên tất cả, hoặc là ta để kẻ khác chà đạp lên cuộc sống của mình. Cách sống ấy có thể vô tình, nhưng không đáng trách. Không ai cho ta cao thượng, thì ta vị kỉ, đơn giản chỉ là thế thôi.
Sinh ra là một bán yêu để bị người ghê sợ, kẻ khinh ghét. Số phận đã không mỉm cười với Inuyasha ngay từ lúc mới chào đời. Nhưng một kẻ như Inuyasha sẽ không đầu hàng với số phận, Inuyasha chưa bao giờ lựa chọn làm một bán yêu yếu đuối.
Tất nhiên, để tồn tại thì phải mạnh mẽ, nhưng chính cái cuộc sống theo đuổi sức mạnh ấy sẽ đem lại những mặt trái trong chính tính cách của Inuyasha.
Khi tàn nhẫn đã trở thành thói quen, khi cộc cằn là cách để bảo vệ chính bản thân mình khỏi nghịch cảnh, Inuyasha đã tự mình tạo nên cái ý thức phủ nhận “trái tim con người” mà những biểu hiện ấy thể hiện rất rõ trong những ngày đầu anh mới xuất hiện.
Tỏ ra là một kẻ khinh thường tình cảm, tỏ ra là kẻ chỉ có khát vọng với sức mạnh lớn lao như Ngọc tứ hồn. Nhưng rốt cuộc, “bản chất yêu quái” ấy vẫn hoàn toàn lạc lõng khi cố gắn vào anh. Dáng vẻ “nguy hiểm” ban đầu đã biến mất rất nhanh cùng với những chặng đường anh đi tìm lại từng mảnh vỡ, thay vào đó là tính tình bộc trực đến ngây ngô, là những cảm xúc chân thật đến vụng về, là sự nóng nảy đến hầu như lo lắng. Inuyasha luôn cố gắng biện hộ những việc làm tốt của mình bằng những lí do đúng chất “yêu quái”, và có thể thấy rằng điều đó hoàn toàn vô tác dụng với những người đã quá thân thuộc với anh. Nhưng chính cái cách thể hiện ấy lại khiến hình ảnh của Inuyasha có một cái gì đó rất đáng yêu, đôi khi là hài hước và ngốc nghếch.
Rũ bỏ cái vỏ bọc tự bảo vệ bản thân không phải là việc có thể làm trong một sớm một chiều. Đó càng là việc không thể nếu bên cạnh anh không phải là những người mà anh hoàn toàn tin tưởng. Dần dần, “đêm trăng non” đã không còn là bí mật đối với nhiều người. Dần dần, cái vẻ cô độc của Inuyasha đã biến mất, anh đã có những người để chăm lo và chăm lo cho anh. Dần dần, anh đã thừa nhận chính mình, thừa nhận trái tim con người, trân trọng và gìn giữ nó.
Không thể không nói đến vai trò của Kikyou trong việc đem trái tim anh trở lại. Trở lại, chứ không phải thay đổi. Vì trái tim của Inuyasha vốn là như thế, trái tim của một cậu bé nhặt lại quả bóng để tham gia vào một trò chơi với mọi người, trái tim của một bán yêu lâu lâu lại đem một bó hoa đến trước ngôi mộ của người mẹ quá cố. Cuộc sống sinh tồn khắc khổ đã khiến anh đẩy trái tim vào bóng tối để đối phó với hiểm ác của thế gian, và một ngày, Kikyou đã đem ánh sáng chiếu vào nơi sâu thẳm mà nó trú ngụ.
Tình yêu với người con gái ấy đã đưa anh trở lại với những ước muốn ban đầu. Sức mạnh ư? Sức mạnh chỉ là thứ mà anh cần để tìm một nơi chốn có thể dung được mình. Nếu người con gái ấy có thể đem điều ấy đến cho anh, dòng máu yêu quái anh cũng sẵn sàng từ bỏ. Ngay từ đầu, Inuyasha đã là một kẻ cần có tình yêu thương.
Số phận một lần nữa lại nghiệt ngã khi để hai kẻ yêu nhau ấy phải chia lìa trong tan vỡ và hận thù. Trái tim anh mở ra để đón những yêu thương cuối cùng nhận lấy một nhát đâm chí mạng, rồi thêm lần nữa bị đẩy vào bóng tối cô quạnh và giá băng.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Kagome không xuất hiện? Inuyasha nếu không tiếp tục ngủ vùi thì cũng thức tỉnh với cõi lòng cay đắng về một tình yêu đã bị phản bội một cách đáng thương. Inuyasha đã quay trở lại cái dáng vẻ phòng vệ của mình những ngày đầu mới gặp Kagome, nhưng tất nhiên, không thể quay trở lại hoàn toàn. Tôi vẫn nhớ cái lần Inuyasha nhìn vào mắt Kagome khi nói về Kikyou, sự căm ghét trong mắt anh không nhiều bằng đau đớn. Một phần nào đó trong anh có lẽ đã biết sự hận thù đó chỉ là hiểu lầm, nhưng phần ấy không thuộc về nhận thức.
Khi tình cảm với Kagome bắt đầu nảy nở thì Kikyou trở lại. Inuyasha như một kẻ đứng giữa hai dòng nước mà chẳng thể lựa chọn bên nào. Đây lại là một điểm mà tôi cảm thấy rất “người” trong cách xây dựng Inuyasha. Inuyasha yêu hai người con gái theo hai cách khác nhau, không thể quên Kikyou và không cách nào rời xa Kagome. Cá nhân tôi không nghĩ đó là bắt cá hai tay, vì “con người” mà, phức tạp và mâu thuẫn lắm. Tình yêu đầu tiên như trái chín đầu đời, mãi mãi chẳng thể quên đi vị ngọt nơi đầu lưỡi. Như sự khai sáng của cảm xúc, sự mở rộng của trái tim, những dấu ấn đầu tiên ấy sẽ khắc sâu suốt cuộc đời. Và tình yêu giữa Kikyou và Inuyasha lại là điều đặc biệt khác, như bông hoa nở giữa tiết trời cuối thu đầu đông, để rồi héo tàn ngay khoảnh khắc đáng lẽ ra là tươi đẹp nhất. Dang dở sẽ dẫn đến khó phai.
Không thể không nói rằng tôi khâm phục trái tim mạnh mẽ và đầy bao dung của Kagome. Và vì thế mà tôi không ngạc nhiên khi Inuyasha không bao giờ có thể hoàn toàn đi theo tiếng gọi của tình yêu cũ. Tình yêu với Kagome là tình yêu mà anh đã có sau những thất vọng và tan vỡ, là tình yêu mà Inuyasha phải vượt qua những rào cản của chính mình để dũng cảm yêu thương. Có thể trong thâm tâm Inuyasha hiểu, cho đến cuối cùng, Kagome là người duy nhất sẽ luôn ở bên anh, trong những cuộc chiến, trong cả giờ khắc bình yên, người luôn khóc vì anh, cười với anh, người gần anh hơn bất kì một ai khác.
Nếu Kikyou là người khai mở, thì Kagome là người tiếp nối. Kikyou dạy anh biết cách yêu thương, thì Kagome đã đưa tình yêu ấy đến bờ bến cuối cùng, và lan tỏa nó đến cho bao người khác. Để rồi, anh không chỉ có người anh yêu thương, anh còn có những người bạn đồng hành kề vai sát cánh. Và anh đã có một nơi để có thể trở về.
Truyện kết thúc khi Inuyasha đã không trở thành một con người. Nhưng ngẫm lại, đó đâu phải mục đích sau cùng mà câu truyện hướng tới. Rốt cuộc, điều Inuyasha muốn đâu phải là làm một con người, anh chỉ muốn được đón nhận và yêu thương, và anh không cần phải làm một ai khác để có được những thứ đó. Takahashi Rumiko luôn có cách xây dựng những nhân vật như vậy, dù là bán yêu, bán nam hay bán tử thần, họ luôn là những kẻ không toàn vẹn luôn miệt mài hoàn thiện chính mình. Dù cái đích đến sau cùng mà họ đạt tới không phải là sự hoàn hảo, nhưng họ luôn tìm được những người sẵn sàng yêu thương họ ngay cả khi họ còn đầy khiếm khuyết.
Tôi còn nhớ mãi những lời mà Inuyasha đã nói khi Takemaru ngạc nhiên với sức mạnh “phi thường so với một yêu quái” của anh.
Ta là bán yêu mà. Tham vọng và ích kỉ hơn bất cứ giống loài nào khác, đó là con người phải không? Máu của con người đang chảy trong huyết quản của ta, đó là lí do mà ta không thể từ bỏ. Hơn thế nữa, khi con người có ai đó để bảo vệ, sức mạnh của người đó sẽ tăng lên gấp bội…
Tự tạo vỏ bọc hay phủ nhận những điểm thiếu hoàn thiện của bản thân để đứng vững vàng với cuộc đời, đó là cách thức để trở nên mạnh mẽ. Nhưng khi người ta dám thừa nhận và trân trọng mọi mặt của bản thân mình, sự mạnh mẽ đã đạt tới một cảnh giới cao hơn. Cuối cùng, Inuyasha đã không xem thân phận bán yêu của mình là điều đáng hổ thẹn, ngược lại, tự hào về nó với sức mạnh mà cả dòng máu yêu quái và dòng máu của con người có thể đem lại, Inuyasha đã vượt qua sự yếu đuối sâu thẳm trong chính bản thân. Có thể trời đã không ban cho Inuyasha một trí tuệ sắc sảo, nhưng ý chí quật cường cùng tinh thần không chịu từ bỏ đã giúp anh có thể đối mặt với những kẻ thù hùng mạnh nhất với thứ sức mạnh tiềm tàng mà không ai có thể tưởng tượng ra. Tất cả những điều ấy đều không ngẫu nhiên mà có, chúng được tạo nên bởi cuộc sống, bởi những nghịch cảnh, nhưng quan trọng nhất, là bởi Inuyasha đã lựa chọn.
Cách thức người ta sinh ra không quyết định họ sẽ trở thành người như thế nào,
chính lựa chọn của họ sẽ chứng tỏ họ là ai….
Và tôi luôn tin rằng, Inuyasha đã lựa chọn đúng. Không phải là thay đổi chính mình mà là trân trọng chính mình, sống với những gì mình có, hạnh phúc với những gì mình nắm được trong tay. Anh đã có một kết thúc trọn vẹn.