Suốt một thời gian dài, bác loay hoay trong việc tìm kiếm mô hình kinh tế cho mình, hết trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc,… nhưng đều không mang lại những hiệu quả như mong muốn.
Cho đến 2 năm trở lại đây, nhận thấy nguồn lợi thiên nhiên vô giá của thảm thực vật quanh vùng núi Sóc Sơn, bác Ngô Văn Hoa bắt đầu triển khai nuôi những đàn ong đầu tiên, rồi cứ thế phát triển cho đến nay số đàn ong của bác đã lên tới hơn 300 đàn. Mỗi đàn ong một năm cho sản lượng từ 8 – 10 lít mật, mang đến nguồn thu nhập lớn cho gia đình bác Hoa.
Bác Bùi Văn Quế, một cựu chiến binh tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, là thông gia “đồng hao” cùng bác Hoa, và cũng là người đồng nghiệp cùng bác Hoa chăm sóc cho trại nuôi ong ở Minh Tân.
Một ngày làm việc của người thợ ong bắt đầu từ 7 giờ sáng, hôm nay là tới phiên trực của bác Hoa. Bác đi tới từng đàn kiểm tra sự phát triển của ong chúa trong mỗi tổ, nếu có đàn ong nào thiếu nguồn mật hay nguồn phấn để duy trì thì chính tay bác lại phải điều chỉnh, cung cấp nguồn thức ăn để duy trì đàn ong. Từ tháng 2 đến tháng 7 trong năm là thời gian thu hoạch chính của những tổ ong, còn lại là thời gian để chăm sóc, nuôi dưỡng và nhân đàn cho ong
Theo chân bác Hoa đến thăm từng tổ ong, kiểm tra con ong chúa, rồi đánh dấu cẩn thận trên mỗi thùng, mới thấy công việc của một người nuôi ong, mỗi ngày đều phải kiểm tra lần lượt 300 đàn ong không được bỏ xót bất kì đàn nào, đòi hỏi người ta phải có sự kiên nhẫn, niềm say mê, yêu ong, yêu mật mới có thể duy trì nhiệt huyết của mình cho mỗi tổ ong
“Ong hôm nay dữ lắm.”, bác Hoa nói rồi khoác lên mình chiếc áo bảo hộ chuyên dùng cho những người nuôi ong. “Làm ong không ai tránh khỏi việc bị ong đốt, người nào khéo léo thì ong đốt ít, người tay chân vụng về thì bị đốt nhiều. Đặc biệt là những lúc đàn ong dữ thì bắt buộc phải mang quần áo bảo hộ.” Từ hồi làm ong đến giờ, bác đếm không hết những vết ong đốt, nhưng khi đã quen với nghề, những vết đốt của ong cũng chỉ như vết chích của con kiến, bác Hoa còn đùa rằng, phải quý lắm những con ong mới “đốt yêu” bác như vậy.
Chính vì thế mà những người giữ ong ở rừng như hai bác, lại càng đáng quý hơn bao giờ hết bởi đây là một hình thức bảo tồn thiên nhiên vô cùng hiệu quả. Những đàn ong giúp cho cây rừng ra hoa thụ phấn, ngược lại chúng hút mật mang về mật ong bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe, mang lại hàm lượng dinh dưỡng cao. Thiên nhiên và con người chia sẻ lợi ích cho nhau, chung sống hòa bình không có xung đột. Những người giữ ong cũng vì vậy mà càng có ý thức bảo vệ nguồn lợi từ thiên nhiên để có thể phát triển một cách bền vững.
Nhưng không phải ai cũng có suy nghĩ như bác Quế và không phải ở nơi nào trên thế giới này người ta cũng biết bảo vệ môi trường như ở Minh Tân. Việc lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ tràn lan trên thế giới, đang khiến cho những thảm thực vật tự nhiên đều bị nhiễm độc. Loài ong khi thụ phấn có chứa thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ, sẽ nhiễm độc và dần suy giảm về số lượng cá thể cũng như chất lượng mật.
Sự biến đổi của khí hậu và sự nóng lên của trái đất cũng khiến cho những tập tính của đàn ong bị thay đổi. “Cánh của con ong giống như chiếc điều hòa nhiệt độ cho tổ, nếu nhiệt độ tăng cao thì đàn ong sẽ đập cánh nhiều để làm dịu mát lại. Nhưng như vậy ong sẽ vất vả và nhanh kiệt sức hơn”, bác Quế giải thích. Vì thế để đảm bảo số lượng đàn ong, các bác phải nhân đàn thường xuyên, liên tục để bảo tồn số lượng và chất lượng của đàn ong.
Năm nay đã đến tuổi “xưa nay hiếm”, có lẽ điều bác Hoa mong muốn lúc này, ngoài được an hưởng tuổi già, còn là mong muốn tìm được những thế hệ kế cận để truyền sự say mê và những kiến thức về ong của mình cho lớp trẻ. Những người nuôi ong ở rừng như bác Hoa, không chỉ đang giữ loài ong cho những tán rừng, mà còn là giữ tình yêu thiên nhiên, giữ từng tán rừng xanh, giữ ngọn núi quê hương cho những thế hệ mai sau tiếp nối.
Những người thợ yêu ong, yêu mật tại Trại ong thôn Minh Tân, xã Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội. (Video: Huyền Chi – Lê Hoàng – Hoàng Long – Ngọc Linh) Thực hiện: Lê Hoàng – Mỹ Diệp Đồ họa: Huyền Chi – Ngọc Linh Ảnh: Ngọc Linh – Thu Phượng – Trung Hiếu