Đôi khi những thắc mắc mà bạn đọc gửi tới Chap Zen lại là nguồn cảm hứng cho chúng mình chia sẻ sâu hơn về những vấn đề không chỉ người ấy, mà chắc hẳn, cũng rất nhiều bạn đọc khác quan tâm. Chủ đề bài viết này, tương ứng với tiêu đề ở trên, cũng là một trường hợp như thế. Người ta nói biết yêu thương bản thân mới có thể yêu thương người khác, nhưng liệu rằng điều đó có đồng nghĩa với sự ích kỷ khi việc gì ta cũng chỉ nghĩ cho mình trước, để rồi cái tôi của ta lại ngày một lớn dần? Vậy phải làm thế nào cho đúng?
Phải nói rằng có một ranh giới rất mong manh giữa sự ích kỷ và yêu thương bản thân. Cũng không thể phủ nhận, trong sự yêu thương bản thân cũng có mặt của tính ích kỷ. Song, đây vẫn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập nhau trên nhiều phương diện.
Ích kỷ không có nghĩa là chúng ta sống cho mình, mà là sống vì lợi ích trước mắt của mình thì đúng hơn. Lợi ích ở đây đại diện cho những tham lam, ham muốn, si mê của riêng bản thân chúng ta. Chúng lớn tới nỗi che lấp đi cả khả năng nghĩ cho người khác, không cần biết người khác được hay mất cái gì, cảm thấy ra sao, ở nơi ta. Ích kỷ vì thế mang một ý nghĩa hạn hẹp. Nó cũng thu bé lại tâm lượng của mỗi người, khiến con người ta trở nên nhỏ nhen, hẹp hòi, chỉ biết phục vụ và thỏa mãn cái tôi luôn cho mình là trung tâm vũ trụ.
Yêu bản thân lại mang một ý nghĩa rộng hơn. Cũng là sống cho mình, nghĩ cho mình trước, nhưng nó không giới hạn trong một vài lợi ích cụ thể của một cá nhân. Yêu thương bản thân đồng nghĩa với việc chúng ta tự nhận thức và tôn trọng cơ thể mình, nhận ra được những giá trị thực sự của chính mình. Chúng ta hoàn thiện mình ở những điểm thiếu sót và biến mình thành một người toàn diện hơn, nâng tầm giá trị của bản thân. Người yêu thương bản thân chính là người biết hài lòng với cuộc sống, bởi có như vậy, họ mới trở nên hạnh phúc, yêu đời hơn và nhận ra ý nghĩa cuộc sống.
Bởi ta không chỉ sống một mình một thế giới mà còn có sự tương tác với nhiều người, trong nhiều mối quan hệ khác nhau. Không ai có thể trở nên tốt đẹp và giữ được tâm thái vui vẻ, bình yên nếu cuộc sống, môi trường xung quanh không an ổn và hòa hợp. Người biết yêu thương bản thân mình, vì thế, cũng sẽ biết nghĩ cho người khác, cùng mọi người tạo nên một môi trường sống an lành hơn. Ngay cả khi bạn chưa làm được gì cho ai đó nhưng chỉ cần bạn chăm sóc tốt cho bản thân, giữ cho mình được khỏe mạnh, tâm trạng phơi phới là đã bớt gây cho người khác sự phiền hà hay phải lo lắng cho mình. Tôn trọng, yêu thương chính mình sẽ giúp bạn biết cách tôn trọng và yêu thương người khác là như vậy. Do đó, yêu bản thân không những là hành động mang tới lợi ích cho riêng mình mà còn cho cả nhiều người xung quanh. Điều này bao hàm một cái nhìn sâu rộng và ý nghĩa lớn lao, hơn là bó hẹp trong ranh giới của sự ích kỷ, chỉ biết phục vụ cho cái tôi nhỏ bé luôn không ngừng đòi hỏi lợi ích cho cá nhân mình.
Ý nghĩa của ích kỷ và yêu thương bản thân có thể khác nhau là thế, nhưng để tách biệt được sự góp mặt của cái tôi vào trong mỗi ý nghĩ và hành động thực tế của chúng ta thì quả là không dễ. Nhiều khi ta khó có thể phân biệt được thế nào mới là không ích kỷ khi mà ta đang muốn sống cho bản thân mình trước. Như Chap đã nói ngay từ đầu về ranh giới mong manh và sự có mặt trong nhau của việc yêu bản thân và sự ích kỷ, quả thực, chỉ cần đi quá một chút thôi thì cách mà ta yêu thương bản thân mình đã trở thành lối sống ích kỷ từ bao giờ.
Bởi vậy, điều ta cần làm là bước đi trên một con đường trung dung, cân bằng và linh hoạt giữa hai yếu tố này. Trung dung ở đây là việc chúng ta không chỉ biết nghĩ cho mình mà trong bất kể việc gì ta cũng phải nghĩ cho cả người khác. Buông bỏ một chút cái lợi trước mắt, san sẻ với người xung quanh thì mọi người cũng sẽ đáp lại mình bằng những điều tốt đẹp. Có những người lại quá hi sinh cho bạn bè, người thân hay xã hội mà để bản thân phải chịu khó khăn, khổ sở thì lại nên nhìn lại mình, trở về chăm lo cho mình hơn. Thực ra, trong nhiều trường hợp, sự hi sinh ấy cũng là biểu hiện của ích kỷ khi mà nó thỏa mãn nhu cầu, ham muốn nào đó ẩn sâu trong ta. Bởi nếu bạn hoàn toàn chỉ biết nghĩ cho người khác thì có lẽ bạn sẽ không trách mắng, buồn phiền, thất vọng khi những gì mình làm cho họ không có được kết quả xứng đáng, thậm chí còn bị họ phản bội lại. Chỉ khi nào ta biết tôn trọng chính mình và nhận ra cuộc sống tốt đẹp hơn biết bao khi cơ thể, tâm hồn ta được yêu thương, chăm chút thì ta cũng sẽ biết cách giúp người khác tôn trọng chính bản thân họ, yêu thương họ khi họ còn khổ đau.
Đôi lúc chúng ta có thể đi lệch sang phía ích kỷ hơn nhưng ý chí muốn mang lại sự tốt đẹp cả cho mình và cho người sẽ cho ta sự tỉnh thức để biết mình không nên dấn sâu vào con đường đó. Có những lúc chúng ta cũng phải chọn lựa giữa việc sống cho mình trước hay vì người khác trước, thì bạn cũng cần dừng lại một chút trước khi đưa ra quyết định, xem điều gì thực sự có lợi cho cả hai. Không có công thức hay tiêu chuẩn chung nào để giúp bạn biết mình nên làm gì trong từng trường hợp cụ thể. Thế nhưng, chỉ cần bạn tôn trọng sự bình yên trong tâm mình, nhận thức những giá trị thực sự của bản thân, cũng như ý thức rằng người khác cũng có những giá trị nhất định đáng được tôn trọng, thì như vậy, bạn sẽ biết cách ứng xử phù hợp để không đem đến đau khổ cho cả người và cả bản thân mình. Đó là điều giúp bản thân bạn được yêu thương đúng cách nhất và sự vị kỷ cũng chuyển hóa dần thành sự vị tha.
Ranh giới giữa ích kỷ và yêu thương bản thân dù có mong manh đến mấy, nhưng sau tất cả vẫn là tâm ý của chúng ta trong mỗi hành động, việc làm, lời nói của mình. Khi bạn bối rối, đó là lúc bạn cần nhìn lại mình, xem xét hay điều chỉnh lại những gì đang biểu hiện bên trong, rồi bạn sẽ tự có câu trả lời thỏa đáng nhất cho bản thân. Chắc hẳn, khi bạn làm mọi việc với đầy đủ yêu thương thì yêu thương sẽ dẫn dắt bạn tới một lựa chọn đúng đắn nhất.
Chap Zen